Tiết kiệm chi phí học tập, có được bằng tốt nghiệp từ nền giáo dục hàng đầu, hoàn thiện khả năng tiếng Anh…  đang là những yếu tố khiến nhiều bạn trẻ Việt Nam đặt mục tiêu xin học bổng du học Mỹ. Sẽ không dễ dàng để tìm được một suất học bổng có giá trị nhưng cũng không hẳn đó là việc “không tưởng”. Kết quả có nhận được học bổng hay không tùy thuộc vào nhiều khía cạnh như sự quyết tâm, lộ trình trau dồi, hoàn thiện bản thân về nhiều mặt, trong đó có cả việc bạn có may mắn, tìm được chương trình học bổng phù hợp, ít cạnh tranh.

xin học bổng du học Mỹ có khó không

Để giúp bạn hiện thực hóa giấc mơ nhận được học bổng du học Mỹ thì dưới đây Princeton English xin liệt kê một số thông tin, vấn đề cần thiết giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho hồ sơ du học của mình.

1. Một vài thuật ngữ về tài chính bạn cần biết:

a, Cost of Attendance: Tổng chi phí cho một năm học. Trong đó bao gồm tiền bạn phải đóng cho nhà trường (billed expenses) và các khoản chi phí phát sinh (unbilled expenses). Ví dụ dưới đây là chi phí một năm của Đại học Duke:
(*) Tiền đóng cho nhà trường:
Học phí và phí sinh viên: $60,488
Ký túc xá: $9,164
Chi phí ăn uống (ở canteen trường, tiêu chuẩn 21 bữa/tuần): $8,320
Bảo hiểm y tế (bắt buộc): $3,655|
(*) Các khoản phí phát sinh:
– Sách và dụng cụ học tập: $1,434 (sách giáo khoa ở Mỹ rất mắc)
– Sinh hoạt phí cá nhân: $1,976
– Chi phí đi lại: $2,200
=> Tổng cộng: $87,237/năm

b, Khả năng đóng góp của gia đình (Family Contribution): đây là số tiền mà gia đình bạn có thể chi trả trong một năm cho việc học tập của bạn. Đối với rất nhiều hồ sơ quốc tế, family contribution càng ít, khả năng được nhận càng thấp. Thời điểm mình nộp đơn, một bạn học sinh đóng được thấp hơn $15,000/năm là đáng báo động. Vậy mà mình đã điền contribution $1200/năm – đúng bằng số tiền gia đình mình có thể cố gắng chi trả cho 1 năm đại học của mình ở Việt Nam (dẫu cũng rất chật vật). Nhưng rõ ràng mình không còn lựa chọn nào khác. Mình càng không thể ngồi than trách số phận mãi rồi buông xuôi; mình hiểu bản thân cần phải nỗ lực gấp nhiều lần để bù đắp cho khiếm khuyết mình không thể làm chủ được ấy.

c, Hỗ trợ tài chính (financial aid – FA) và học bổng dựa trên thành tích cá nhân (merit-based scholarship): Đây là hai cách để gia đình bạn có thể giảm bớt gánh nặng của số tiền khổng lồ như trên. Học bổng dành cho học sinh quốc tế thường rất hiếm, nên thông thường các bạn đều nộp hồ sơ xin hỗ trợ tài chính.
Số tiền hỗ trợ tài chính bạn nhận được = tổng chi phí (cost of attendance) – khả năng đóng góp của gia đình (Family Contribution).
Tuy nhiên, khi nộp đơn vào đại học Mỹ, hồ sơ của các bạn được gắn nhãn “học sinh quốc tế.” Sở dĩ mình nhắc điều này, vì rất ít trường cho học sinh quốc tế đủ số tiền các bạn ấy cần (meet full need). Ví dụ nếu family contribution của bạn nằm ở mức $10,000/năm, số tiền còn thiếu là $70,000/năm; với ngân sách hạn hẹp, trường có thể chỉ cho bạn $30,000/năm. Điều này dẫn đến rất nhiều trường hợp bạn được nhận nhưng lại không đủ tiền để theo học. Ở dưới mình sẽ nói rõ hơn về danh sách các trường “meet full need” cho học sinh quốc tế.

Một bất lợi nữa của học sinh quốc tế so với học sinh bản địa là chính sách “need-aware.” Mình không tìm được thuật ngữ tiếng Việt thích hợp để dịch định nghĩa này nên mình sẽ giải thích cụ thể. Các trường need-aware là các trường quan tâm đến khả năng chi trả của gia đình bạn khi đọc hồ sơ của bạn. Nói cách khác, số tiền gia đình bạn có thể đóng góp cho trường một năm quyết định trực tiếp bạn có được nhận hay không. Có nhiều trường quy định (ngầm) là nếu bạn không đóng đủ một mức nào đó (minimum contribution), họ sẽ thẳng tay loại ngay hồ sơ của bạn mà không cần đọc. Để tránh trường hợp công dã tràng, trước khi quyết định nộp đơn cho một trường nào đó, bạn nên chủ động liên lạc trình bày thắc mắc, họ có thể sẽ nói cho bạn biết mức đóng góp tối thiểu của trường họ là bao nhiêu, hoặc một cách nữa là hỏi xin ý kiến từ các anh chị người Việt đang học tại trường đó. Tuy nhiên Mỹ cũng có các trường “need-blind.” Các trường này, ngược lại, sẽ không tính khả năng chi trả của gia đình bạn là một yếu tố trong quá trình đánh giá hồ sơ. Tức là, bất kể bạn đóng được rất ít hay không đóng được gì cả, nếu bạn phù hợp với tiêu chí của trường, họ sẽ nhận bạn và cho bạn đủ số tiền bạn cần. Các trường “need-blind” cho học sinh quốc tế cực kỳ hiếm, theo mình biết chỉ có 5 trường là MIT, Princeton, Yale, Harvard và Amherst.

(*) Như vậy, nếu bạn được hỗ trợ toàn phần học phí thì vẫn còn rất nhiều chi phí khác như bảo hiểm, tiền máy bay, tiền tiêu vặt mà nếu dồn vào thì là một số tiền khổng lồ (gần $10,000/năm). Vì vậy, khi điền hồ sơ tài chính, bạn phải dự trù cả số tiền này. Mình xác định gia đình mình sẽ không bao giờ chi trả nổi cả những khoản “nhỏ nhặt” đó nên mình đã quyết định nộp đơn vào các trường có ngân sách hào phóng, có thể cho mình đủ tiền để đi học. Và kết quả là cả 3 trường nhận mình (2 trường need-blind và 1 trường need-aware) đều hỗ trợ tài chính cho mình đúng nghĩa toàn phần chi phí (cả vé máy bay, phí xin visa, bảo hiểm, …). Gia đình mình không phải chi trả gì cả.
Học bổng dựa vào thành tích cá nhân: Trong khi hỗ trợ tài chính được tính dựa trên nhu cầu tiền bạc của gia đình bạn (need-based), học bổng sẽ không quan tâm việc nhà bạn giàu hay nghèo. Thay vào đó, các trường sẽ thành lập hội đồng xét duyệt học bổng, xem xét thành tích, những đóng góp và tố chất của các cá nhân (merit-based). Khác với hỗ trợ tài chính chỉ dừng lại ở giá trị tiền bạc, các bạn nhận học bổng thường được gọi là “scholars,” với vô vàn những cơ hội khác như sự giúp đỡ từ một cộng đồng những người đã được nhận học bổng trước đó (scholars and fellows), cố vấn đặc biệt từ giáo sư, tài trợ dành cho nghiên cứu/thực tập mùa hè, các buổi nói chuyện với diễn giả có tiếng trong ngành và những chuyến đi thực địa (field trip). Và tất nhiên, đây là những học bổng toàn phần (full-ride scholarship), bạn vẫn không phải chi trả gì thêm cả.

Vì những lợi ích như thế nên các học bổng cho học sinh quốc tế thường rất hiếm và danh giá. Ngoài hồ sơ ban đầu bạn nộp cho trường, bạn còn phải hoàn thành một hồ sơ học bổng riêng biệt khác. Thông thường bạn sẽ nộp hai hồ sơ này cùng một lúc với nhau; sau khi đọc hồ sơ của bạn, hội đồng học bổng của trường sẽ lọc ra một vài bạn đủ tiêu chuẩn để liên hệ phỏng vấn (shortlisted). Mình từng nhận được một học bổng toàn phần như thế của Đại học Duke, gọi là Karsh International Scholarship (Học bổng Karsh cho Học sinh Quốc tế). Điểm khác biệt của Karsh là trường sẽ lọc hồ sơ trước để chọn ra những ứng viên vào “vòng chung cuộc” (finalist). Lúc này chỉ các bạn finalist mới được yêu cầu nộp hồ sơ học bổng, kèm theo phỏng vấn ngay sau đó. Mình nhớ rằng mình được cho 6 ngày để hoàn tất 3 bài luận phỏng vấn, trả lời một vài câu hỏi phụ, nộp CV cũng như chuẩn bị phỏng vấn. Mình được phỏng vấn bởi một hội đồng các giáo sư và cô trưởng ban học bổng. Số lượng các bạn nhận được học bổng hàng năm không giống nhau, có thể tùy theo chất lượng các ứng viên và chỉ tiêu của trường. Theo như mình biết thì năm nay Duke có 5 Karsh scholars, trong khi năm trước là 9.
Tùy từng học bổng sẽ có những tiêu chí riêng cụ thể. Ví dụ có học bổng xem trọng kỹ năng lãnh đạo, cũng có học bổng đánh giá cao những đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Bạn nên đọc kỹ các yêu cầu trước khi nộp đơn.

d, CSS Profile: Đây là một hồ sơ điện tử để bạn kê khai tài chính gia đình và cá nhân. CSS yêu cầu những thông tin rất cụ thể như chi phí sinh hoạt trong một tháng của gia đình, chi phí bảo hiểm, học tập, … Các trường sẽ dựa vào CSS Profile để ước tính số tiền gia đình bạn cần đóng trong một năm. Và mỗi năm bạn đều phải nộp một profile mới để cập nhật những thay đổi trong tài chính gia đình.

e, ISFAA: Đơn xin hỗ trợ tài chính cho học sinh quốc tế. Bạn có thể tưởng tượng đây là một bản giấy của CSS Profile.
(*) Bạn cần lưu ý rằng một số trường có hạn chót cho hồ sơ tài chính sớm/trễ hơn hạn chót nộp hồ sơ ứng tuyển.

2. Các giấy tờ bạn cần phải nộp để chứng minh tài chính gia đình: thường được yêu cầu tải lên một hệ thống xét duyệt gọi là IDOC:

a, Giấy xác nhận thu nhập của ba mẹ (Income Document): Nếu ba mẹ bạn làm khối nhà nước hay tư nhân thì bạn có thể dễ dàng xin được sao kê ngân hàng, hay bạn có thể tự soạn một mẫu đơn và nhờ ba mẹ lên công ty xác nhận. Tuy nhiên, mình hiểu một số lượng lớn lao động ở nước mình làm việc tự do, nhận lương cuối tháng bằng tiền mặt, và vì vậy khó có thể lấy được giấy tờ đóng dấu đỏ. Trong trường hợp này, mình nghĩ các bạn có thể thử xin xác nhận từ địa phương nơi bạn sinh sống. Bạn cũng có thể trực tiếp liên lạc với nhà trường trình bày tình huống của mình, các trường đều rất nhiệt tình đưa hướng giải quyết.

b, Xác nhận số dư tài khoản (Bank statement/Confirmation of Account Balance): đây là tài liệu chứng minh gia đình bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng. Hiện tại đa số các ngân hàng đều cung cấp bản xác nhận này song ngữ theo yêu cầu. Ngoài tài khoản ngân hàng, bạn còn có thể xin xác nhận sổ tiết kiệm (savings account).

c, Bản khai thuế hoặc Đơn miễn trừ thuế nếu nhà bạn không thuộc diện đóng thuế (Tax return/Non-filer): Một bộ phận không nhỏ lao động ở nước mình không có làm thủ tục khai thuế hàng năm nên bạn có thể tải mẫu đơn Non-filer về điền vào. Trường hợp trường không có sẵn mẫu Non-filer, bạn có thể xin xác nhận không khai thuế từ công ty hoặc trực tiếp liên hệ với trường.
d, Các giấy tờ riêng biệt của từng trường (School-specific documents): Nhiều trường sẽ yêu cầu bạn điền một vài giấy tờ bổ sung, ví dụ như Đại học Stanford có thêm “International Student Supplement to the CSS Profile.”

e, Giấy tờ sở hữu nhà đất: Vì phần này gia đình mình không có nên mình cũng không tìm hiểu rõ.

f, Thư trình bày hoàn cảnh đặc biệt (Statement about special circumstances): Ông bà ta có câu “mỗi nhà mỗi cảnh,” nên nếu có một yếu tố đặc biệt tác động trực tiếp đến tài chính gia đình bạn, bạn cần phải trình bày với trường một cách chân thật và cụ thể nhất có thể. Ví dụ, nếu ba mẹ bạn hiện tại không đăng ký chung một hộ khẩu, bạn cần phải nộp 2 hồ sơ CSS riêng biệt cho từng người. Nếu người bảo hộ của bạn là mẹ, mẹ bạn được gọi là Custodial Parent, và ba bạn tương ứng sẽ là Non-custodial Parent. Nhưng giả sử bạn gặp phải một vấn đề lớn: bạn hoàn toàn không có cách nào liên lạc với ba mình để lấy được những thông tin tài chính của ông, vậy thì bạn phải nộp cho trường những giấy tờ sau: (1) Đơn xin miễn hồ sơ của phụ huynh không có quyền bảo hộ (CSS Profile Waiver Request for the Noncustodial Parent), (2) Thư trình bày trường hợp đặc biệt và (3) Giấy xác nhận từ nhà trường. Tùy từng trường sẽ có quy trình và yêu cầu khác nhau đối với việc giải quyết những tình huống như thế này. Bạn yên tâm, bạn không phải là người duy nhất trải qua đâu, nên bạn cứ bình tĩnh và chuẩn bị sẵn tinh thần để làm việc riêng với từng trường và cung cấp những thông tin họ yêu cầu.

3. Kiến nghị xem xét lại hỗ trợ tài chính (Financial Aid Appeal): Như mình đã nhắc ở trên, rất nhiều trường hợp trường không cho bạn đủ số tiền bạn cần. Trong trường hợp này, bạn có thể viết email trình bày nguyện vọng mong trường xem xét tăng thêm hỗ trợ tài chính. Bạn thậm chí có thể viết xin đến lần thứ 2 nếu gia đình đã cố gắng nhưng vẫn không thể chi trả nổi phần còn lại, vì dù gì bạn cũng không mất gì. Đợt nộp đơn vừa rồi may mắn là mình không cần phải viết appeal, nên ngoài thông tin cơ bản như trên, mình không còn kinh nghiệm nào khác về vấn đề này. Bạn có thể tìm hiểu thêm trên google với từ khóa mình đã cung cấp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *